Thiếu trụ cột không hẳn ít khát vọng
Ngoài trừ ĐT Việt Nam, các ƯCV vô địch của ASEAN Cup 2024 là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore hay Philippines đều không tập hợp được lực lượng mạnh nhất. Đơn cử, Thái Lan không có sự phục vụ của “ngòi nổ chết người” Dangda, hậu vệ xuất sắc Bunmathan, tiền vệ từng 2 lần xuất sắc nhất AFF Cup Chanathip. Dừng hẳn giải trong nước để phục vụ cho ĐTQG nhưng Singapore cũng vắng 2 cầu thủ sáng giá nhất là Ikhsan và Ilhan Fandi bởi CLB Muangthong United (Thái Lan) không chấp nhận nhả 2 người. Philippines cũng mất đi những cầu thủ xuất sắc như thủ môn Etherigde, hậu vệ Scott Woods, tiền vệ Patrick Strauss. Những cầu thủ đang làm nức lòng NHM Indonesia tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 như thủ môn Maarten Paes, hậu vệ Sandy Walsh, Rizky Ridho, Jay Idzes, Calvin Verdonk, tiền vệ Thom Haye, tiền đạo Ragnar Oratmangoen cũng không thể khoác áo đội bóng xứ Vạn đảo.
Nguyên nhân, chắc hẳn không phải những đội bóng này có tầm nhìn xa như tạo lực lượng cho tầng lớp kế cận hoặc không còn khát vọng. Cái chính là những ngôi sao trên không được các CLB nhả về thi đấu cho ĐTQG như quyền họ có bởi ASEAN Cup 2024 diễn ra không phải ở thời điểm FIFA Days. Các giải trong nước vẫn đang diễn ra vào thời điểm này nên các CLB thừa hiểu, thành tích của đội nhà sẽ bị ảnh hưởng nếu như không có được phục vụ của những ngôi sao sáng giá nhất. Đó là lý do, 4 cầu thủ của Malaysia phải quay trở lại CLB ngay lập tức khi có quyết định triệu hồi cho dù, nhà vô địch AFF Cup 2010 có chuyến làm khách rất quan trọng trên sân của Thái Lan ở vòng 2 của bảng A - AFF Cup 2024. Không có đội hình mạnh nhất, các liên đoàn cũng thừa hiểu, hình ảnh của ĐTQG sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu kết quả thu về không tốt. Không còn cách nào khác, các đội phải “liệu cơm gắp mắm”, đành phải chọn cầu thủ “hạng 2” để góp mặt ở sân chơi của khu vực.
Nhọc nhằn vì thể thức thi đấu
“Tổng thư ký LĐBĐ Singapore Yazeen Buhari chia sẻ rằng ‘ngày thi đấu tại AFF Cup cuối cùng được quyết định theo quyết định riêng của AFF và luôn được tổ chức trong thời gian không thuộc FIFA’”, theo tờ Straitstimes của Singapore. Tờ báo này còn cho biết, theo nguồn tin riêng của Straitstimes “họ (các nguồn tin) muốn AFF Cup được tổ chức vào tháng 7 sau khi các giải trong nước kết thúc. Các nguồn tin khác nhau cho thấy AFF đã không lắng nghe các liên đoàn thành viên của mình”. Trong thời gian vừa qua, các giải trong nước của các nền bóng đá ở khu vực bắt đầu điều chỉnh lịch thi đấu theo “lịch khung” của quốc tế, bắt đầu vào khoảng tháng 8 năm trước và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Trong lúc đó, AFF Cup vẫn diễn ra vào cuối tháng 12 năm trước và kéo dài đến đầu tháng 1 năm sau trùng với các giải trong nước, dẫn đến cảnh xung đột giữa quyền lợi của CLB và ĐTQG. Như đã đề cập, khi AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên các CLB có quyền không nhả cầu thủ. Không tập hợp được những ngôi sao sáng giá nhất, chất lượng các trận đấu của AFF Cup cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Không chỉ thời điểm tổ chức gây tranh trãi, thể thức thi đấu sân nhà, sân khách ngay từ vòng bảng trong lúc mật độ thi đấu khá dày cũng là vấn đề khác khiến các HLV không đồng tình. Phát biểu trong chuyến làm khách trên sân của ĐT Việt Nam sau khi trải qua hành trình di chuyển rất vất vả, HLV Shin Tae Yong của Indonesia phàn nàn: “Ba ngày, cứ ba ngày một trận. Tôi nghĩ không thể cứ ba ngày lại phải di chuyển sang một quốc gia khác. Vòng bảng AFF Cup sẽ tốt hơn nhiều nếu được tổ chức ở một quốc gia. Sau đó, chúng ta có thể tổ chức bán kết, chung kết như mùa giải này. Khi đó, cuộc cạnh tranh sẽ tốt hơn nhiều. Điều đó cũng giúp trình độ cầu thủ tăng lên, chất lượng các trận đấu ở AFF Cup sẽ tốt hơn”.
Thể thức thi đấu, theo đề xuất của ông Shin, không phải là mới. Nó được áp dụng từ AFF Cup 2004 đến AFF Cup 2016 trước khi chuyển sang thi đấu sân nhà, sân khách từ vòng bảng nhưng được coi là “chấp nhận được” trong bối cảnh AFF Cup muốn kéo dài để quảng bá thương hiệu.