Từ vô duyên...
Tính từ thời điểm bắt đầu cầm quân vào tháng 5/2024 cho tới nay, HLV Kim Sang Sik đã cùng ĐT Việt Nam trải qua 5 trận đấu chính thức, cùng 3 lần thi đấu tập nội với với các CLB khác nhau. Riêng ở 5 trận thi đấu quốc tế được ghi nhận, ĐT Việt Nam thời ông Kim có tổng cộng 6 bàn thắng. Nhưng trong cả 6 lần ghi tên lên bảng tỷ số, “Những chiến binh sao Vàng” đều không bắt nguồn từ đá phạt cố định. Ngược lại, bóng chết còn là cơn đau đầu với ĐT Việt Nam suốt 6 tháng đã qua.
Trước Philippines ở vòng loại World Cup 2026, Văn Lâm cùng các đồng đội chịu 1 bàn thua đến từ pha phối hợp đá phạt. Khi đối đầu với Thái Lan tại giao hữu tháng 9, Việt Nam chịu bàn gỡ từ đối phương sau một quả đá phạt góc. Ở trận đấu mới đây với Ấn Độ tại sân Thiên Trường trong tháng 10, ĐT Việt Nam không nhận bàn thua nào từ đá phạt cố định.
Nhưng ngược lại, chính chúng ta lại không tận dụng tốt cơ hội “bóng chết” để có chiến thắng. Trên chấm 11 mét, trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải đứng trước cơ hội ghi bàn thắng, đánh dấu mốc trở thành cầu thủ ra sân nhiều thứ 2 trong lịch sử ĐT Việt Nam (78 trận). Thế nhưng, anh lại tự mình bỏ qua cơ hội tuyệt vời ấy khi đá hỏng phạt đền.
… đến có duyên
Đá phạt từng là câu chuyện vô duyên với ĐT Việt Nam suốt nửa năm qua, dưới thời HLV Kim Sang Sik. Nhưng chuyến tập huấn tại Hàn Quốc vô hình trung đang giúp “Những chiến binh sao Vàng” tận dụng tốt hơn món vũ khí này. Minh chứng là trong 2 trận đá tập gần nhất với Ulsan Citizen và Daegu FC, ĐT Việt Nam đều khai thông thế bế tắc ở 15 phút cuối hiệp 1. Điểm chung trong 2 bàn thắng này đều đến từ đá phạt cố định.
Trước Ulsan Citizen ở phút 44, ĐT Việt Nam thực hiện một quả đá phạt. Khuất Văn Khang tạt bóng vào trong cho Bùi Hoàng Việt Anh bật cao đánh đầu. Thủ môn Ulsan dù nỗ lực cản phá pha dứt điểm của trung vệ ĐT Việt Nam, nhưng anh chẳng thể tránh khỏi bàn thua khi đội trưởng Tiến Linh băng vào đá bồi đúng lúc.
Sang đến trận đấu với Daegu FC, ĐT Việt Nam lại có bàn thắng ở phút 41. Từ tình huống đá phạt góc bên cánh trái, Bùi Tiến Dũng trả bóng ngược ra cho Quang Hải tung cú dứt điểm chìm hiểm hóc đánh bại thủ thành đối phương.
Nhìn từ 2 kịch bản này, không khó để nhận thấy rằng ĐT Việt Nam đã và đang tập luyện rất kỹ những tình huống đá phạt cố định và khai thác bóng hai. Các trung vệ khi tham gia tấn công sẵn sàng cho các pha dứt điểm, khi những chân chuyền thực hiện đá phạt cố định hay phạt góc, hướng bóng vào trước cầu môn. Bên cạnh đó, vệ tinh xung quanh như Tiến Linh, Tuấn Hải ở trong khu vực cấm địa hay Quang Hải, Hoàng Đức, Hai Long đứng ngoài vòng cấm cũng sẵn sàng cho tình huống bóng nảy ra để thực hiện dứt điểm bồi.
Tại vòng bảng AFF Cup 2024 (ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024), ĐT Việt Nam đa phần sẽ gặp các đối thủ “cửa dưới”, sẵn sàng tử thủ để tìm kiếm kết quả hoà. Việc gặp bế tắc trong việc triển khai bóng sống là không thể tránh khỏi, khi ĐT Việt Nam vấp phải hàng phòng ngự nhiều lớp đến từ đối phương. Hẳn nhiên trong tình huống đó, đá phạt cố định là một thứ vũ khí lợi hại để mở ra thế trận cho “Những chiến binh sao Vàng”.