HLV Kim Sang Sik lần đầu dẫn dắt ĐT Việt Nam bằng trận ra mắt trên sân nhà, tiếp Philippines ở vòng loại thứ hai World Cup 2026. Đó là một trận đấu “toát mồ hôi hột” khi ĐT Việt Nam phải trải qua những giây phút nghẹt thở và chỉ giành thắng lợi 3-2 bằng bàn thắng muộn. So với đội hình ở thời điểm đó, Philippines vắng một số cầu thủ như thủ môn Etherigde, cặp trung vệ Egulvik - Santiago Rublico, tiền vệ Ingreso... Có thể thấy, chất lượng đội hình, lối chơi của Philippines dường như kém hiệu quả hơn hẳn. Hai điểm trước 2 đội yếu nhất bảng là Lào và Myanmar phần nào là minh chứng cho sức mạnh không (còn) quá nổi bật của Philippines. Tất nhiên, kết quả ấy loại trừ khả năng đội bóng này đang… giấu bài để chuẩn bị cho 2 trận đại chiến với ĐT Việt Nam và Indonesia. Bởi giấu bài để rồi chỉ có 2 điểm trước 2 đối thủ yếu đặt Philippines vào thế “cửa tử”, khi đối diện với nguy cơ bị loại rất lớn là điều khó tin tưởng.
Quay trở lại với vấn đề chuyên môn của Philippines, HLV Albert Capellas sử dụng 2 sơ đồ chơi khác nhau trong 2 trận vừa qua. Trước Myanmar, Philippines chơi với sơ đồ 4-1-4-1. Thủ môn là Deyto. Bộ tứ trong hàng thủ gồm hậu vệ trái Kempter, 2 trung vệ Kike Linares, Rontini và hậu vệ phải Tanibas. Kekkonen đảm nhiệm vị trí tiền vệ trụ, trong lúc Gayoso chơi tiền vệ trái còn bên phải thuộc về Monis. Cặp tiền vệ trung tâm là Balley và Reyes, còn Kristensen đá ở vị trí cao nhất trên hàng công. Ở trận gặp Lào, Philippines ra sân với sơ đồ 4-3-3. Hệ thống phòng ngự có 1 sự thay đổi là trung vệ Aguinaldo thay Rontini. Ở tuyến giữa, Bailey thay Gayoso. Với 3 mũi giáp công, Reyes và Monis đẩy cao đóng vai trò của 2 tiền đạo cánh bên cạnh Kristensen.
Trong cả 2 trận đấu này, Philippines đều kiểm soát bóng tốt hơn hẳn so với đối thủ. Ở trận gặp Myanmar, các học trò của ông Albert Capellas kiểm soát bóng 60% còn ở trận gặp Lào, tỷ lệ cầm bóng còn vượt trội hơn, lên đến 77%. Điều này cho thấy, Philippines có thiên hướng chơi tấn công, lấy khả năng kiểm soát bóng để làm chủ cuộc chơi. Nhưng cũng cần thấy một lý do khác là cả Myanmar lẫn Lào đều chủ trương nhường tuyến giữa sau khi có bàn thắng dẫn trước, nên tạo cơ hội cho Philippines làm chủ ở khu vực trung tuyến. Dù kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng những con số thống kê để tạo nên sự khác biệt trên sân như cơ hội, bàn thắng thì Philippines không vượt trội so với 2 đối thủ dưới cơ. Thậm chí, đoàn quân của ông Albert Capellas mỗi trận chỉ ghi được 1 bàn thắng, ngang ngửa với đối phương.
Sở hữu nhiều cầu thủ có gốc châu Âu với chiều cao tốt, thể hình khá dẻo dai, Albert Capellas đang cố gắng xây dựng một lối chơi đa dạng cho Philippines khi kết hợp giữa bóng bổng và những pha phốp hợp ở tầm thấp, tấn công cả trung lộ lẫn biên cho dù những pha dốc bóng từ 2 biên vẫn là nét chủ đạo. Dù vậy, Philippines vẫn chưa cho thấy điểm nhấn nào đáng kể, nhất là các pha hãm thành. Có lẽ trước lối chơi phòng thủ số đông của Myanmar và Lào khiến cho Philippines gặp khó. Tuy vậy, điều đó cũng cho thấy khả năng tạo đột biến, tinh quái của các cầu thủ Philippines là không cao. Đơn cử, tiền đạo gốc Na Uy Kristensen xem ra vẫn còn khá non nớt trong việc kéo giãn hệ thống phòng ngự của đối phương, để tạo khoảng trống cho các đồng đội tiếp cận cầu môn.
Philippines hiện tại vẫn sử dụng nhiều cầu thủ gốc châu Âu như gần 15 năm trước. Tuy nhiên, khi lứa cầu thủ tạo nên bất ngờ ở năm 2010 đã lớn tuổi thì dường như, chuyên môn của các cầu thủ trẻ được “nhập tịch” hiện tại vẫn còn non nên chưa đủ sức để giúp Philippines tạo tiếng vang ở AFF Cup 2024.