Bóng Đá Plus trên MXH

Big story
Hoang mang trong cơn đại dịch COVID-19, bóng đá đi về đâu?
 

Hoang mang trong cơn đại dịch COVID-19, bóng đá đi về đâu?

Premier League đã nghỉ thi đấu hết tháng 3/2020, tương tự là giải Ligue 1, La Liga, Bundesliga. Trong khi đó, Serie A bị hoãn vô thời hạn. Dịch bệnh đã làm được một điều kinh hoàng mà không thế lực nào thuộc về con người có thể làm được: Đóng băng và làm tan biến bóng đá. Premier League nghỉ đấu là điều hiển nhiên, thế nhưng, đến bao giờ?
 

Tốc độ lây lan của virus Corona đã đánh một cú trời giáng vào sự tự tin của châu Âu. Chưa bao giờ họ đối mặt với một đại hoạ thần tốc như thế. Các nhà sử học chắc chắn sẽ có thể tìm thấy các vụ tương tự từ quá khứ, nhưng ở thời điểm này, dại dịch COVID-19 đang khiến tất cả bàng hoàng mà không ai muốn chứng kiến.

Đầu tuần qua, báo chí châu Âu đã đưa ra nhiều câu hỏi và đáp án về sự bùng phát của virus corona, và ở đó, số lượng câu hỏi nhiều hơn đáng kể so với số lượng đáp án. Đến cuối tuần, khi các lệnh cấm bóng đá bắt đầu được ban bố, số lượng câu trả lời nhiều lên, nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa có lời đáp.Một trong những câu hỏi lớn nhất, được quan tâm nhất và vẫn mơ hồ nhất đó là: Liệu Premier League mùa này có bị đình chỉ, thậm chí huỷ bỏ và VCK EURO 2020 sẽ bị chuyển sang mùa Hè 2021?

Vào sáng thứ Sáu vừa qua (13/3), FA và BTC Premier League đã bị thuyết phục bởi những bằng chứng rõ ràng về sự tác hại của đại dịch, do đó, họ đã đưa ra lệnh đình chỉ tất cả những trận đấu chuyên nghiệp của bóng đá nam và nữ trong phạm vi toàn Vương quốc Anh. Lệnh cấm này có hiệu lực đến ngày 3/4/2020. Một giờ sau, LĐBĐ Scotland cũng đưa ra lệnh cấm tương tự.

Những thông báo này được đưa ra ngay sau khi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tuyên bố sẽ hoãn tất cả các trận đấu tại Champions Champions League và Europa League trong tuần tới, trong đó có trận Man City tiếp đón Real Madrid hay Chelsea làm khách của Bayenr Munich.

Bằng cách tạm dừng mùa giải, bóng đá Anh hiện hoà nhịp với hầu hết các giải đấu và sự kiện thể thao lớn trên toàn thế giới. Đây là một quyết tâm được đưa ra trong phòng họp kín và được chính phủ Anh hậu thuẫn, với nỗ lực chống đại dịch COVID-19, khi mà danh sách HLV, cầu thủ nhiễm virus Corona ngày càng dài.

Tại thời điểm lệnh cấm được ban bố, đã 7 trong số 20 CLB ở Premier League có HLV, cầu thủ hoặc nhân viên đang tự cách ly vì đã phản ứng dương tính với virus corona hoặc đã tiếp xúc với người mắc bệnh. Trên thực tế, việc quyết định Premier League có nên được tiến hành trong các SVĐ đóng cửa hay không đã được quyết định trong vòng vài phút, sau khi Arsenal thông báo ca nhiễm của Mikel Arteta.

UEFA cũng đã cố níu kéo hy vọng, và chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua những trận đấu ở Europa League, với việc Man United và Wolves phải thi đấu trên những sân bóng không có khán giả vào ngày 12/3, trong khi Glasgow Rangers tiếp đón Bayer Leverkusen trên sân Ibrox bị khoá chặt.

Nhưng sự lây lan virus tại phòng thay đồ, trên sân tập, giữa những cầu thủ và những người có liên quan đến trận đấu đã khiến nỗ lực này của UEFA và BTC các giải VĐQG bị phá sản, bắt buộc phải đưa ra một quyết định đúng đắn là đóng băng bóng đá. Không có khán giả, trận đấu vẫn diễn ra nhưng không có cầu thủ thì không có trận đấu nào cả.

Một động thái lớn tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ Ba tới (17/3), khi UEFA tổ chức một cuộc họp qua video với 55 LĐBĐ thành viên, Hiệp hội CLB châu Âu, Giải đấu châu Âu và Tổ chức công đoàn cầu thủ chuyên nghiệp FIFPro để thảo luận về phản ứng mang tính tập thể với đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế là các quyết định chính sẽ được đưa ra bởi các nhóm đã làm việc từ lâu trước khi cuộc họp trên diễn ra. Và một đề xuất quan trọng đã được đưa ra: VCK EURO 2020 sẽ hoãn đến mùa Hè 2021. Những yếu tố dẫn đến đề xuất này là sự gián đoạn bất khả kháng của các giải VĐQG và dự đoán của WHO rằng đỉnh dịch COVID-19 tại châu Âu sẽ nằm ở giai đoạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới.

Do đó, gần như không thể chắc chắn rằng, các giải đấu ở nước Anh sẽ kết thúc vào tháng 5. Ở Anh, muộn nhất là trận play-off Championship tranh suất thăng hạng Premier League (dự kiến 25/5). Ở châu Âu, trận cuối cùng là trận chung kết Champions League (dự kiến ​30/5).

Tại Italia, với 15.000 trường hợp đã nhiễm bệnh và tiếp tục gia tăng, quốc gia này đã trở thành điểm dịch lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc - nơi bùng nổ dịch bệnh cách đây 3 tháng. Trong khi đó, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, đang tiếp cận mốc 3.000 ca. Còn tại Anh, số ca nhiễm vẫn còn dưới mốc 1.000. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng để có được kết quả thực, hãy nhân con số đó với 10.

VCK EURO 2020 dự kiến ​​bắt đầu tại Rome vào ngày 12/6/2020. Nhưng Serie A đã bắt đầu hủy các trận đấu từ 2 tuần trước và tất cả các môn thể thao ở quốc gia này đã bị đình chỉ cho đến ngày 3/4. Nhưng với việc phong toả cả đất nước Italia, hệ thống y tế bị căng thẳng quá mức và các CLB tự cô lập, nền bóng đá ở đây sẽ không thể bắt đầu trở lại trong ít nhất một tháng, thậm chí có thể lâu hơn.

Các quan chức bóng đá Italia đã tiết lộ rằng họ đang xem xét 3 lựa chọn: Tuyên bố huỷ bỏ cả mùa giải 2019/20 và bắt đầu lại vào tháng 8; Kết thúc mùa giải bây giờ, quyết định danh hiệu, các suất thăng hạng và xuống hạng trên cơ sở các BXH hiện tại; Hoặc chờ cho đợt bùng phát tồi tệ nhất qua đi và bắt đầu thi đấu lại càng sớm càng tốt, có thể áp dụng các loạt trận play-off để quyết định danh hiệu, suất thăng hạng và xuống hạng.

Hiện tại, ở Italia, những tiết lộ này làm dấy lên những cuộc tranh luận căng thẳng về việc liệu có công bằng khi trao cho Juventus một Scudetto thứ chín liên tiếp trên cơ sở có nhiều hơn Lazio 1 điểm với 12 trận còn chưa đá hoặc đẩy Lecce xuống hạng mặc dù họ chỉ kém Udinese - đối xếp trên 5 bậc - đúng 3 điểm.

Những tranh luận như thế chỉ mới bắt đầu ở Anh nhưng có vẻ hầu hết các CLB đều nghiêng về phương án muốn thi đấu đủ các vòng, cho dù có phải kéo dài mùa giải đến tháng 7/2020. Thế nhưng, lựa chọn này phải đối diện với 2 trở ngại: tình hình bùng phát và kiểm soát đại dịch COVID-19 và VCK EURO 2020.

UEFA biết điều đó và sẽ thay đổi kế hoạch, lịch trình tổ chức EURO 2020. Hiện tại, các đơn vị tổ chức giải đấu đã được UEFA yêu cầu ngừng mọi công tác chuẩn bị cho giải đấu lớn ở mùa Hè này và bắt đầu suy nghĩ về cách thức và thời điểm nó có thể diễn ra trong mùa Hè tới.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một ẩn số đau đầu khác: Liệu các CLB có thể tồn tại mà không có doanh thu từ trận đấu hay không? CLB nào lên hạng, CLB nào xuống hạng? Còn hợp đồng của các cầu thủ thì sao? Đây chính là cuộc khủng hoảng hiện đang diễn ra tại các CLB, cơ quan chủ quản và các giải đấu trên toàn cầu.

Trong tình huống giả định, nếu như việc kiểm soát dịch bệnh trở nên tốt hơn, thời tiết ấm áp hơn giúp khống chế virus, năng lực của các bệnh viện không còn bị quá tải, và hệ miễn dịch cộng đồng trước virus corona hiệu quả hơn. Thế nhưng, bao giờ thì những giả định tuyệt vời này xuất hiện.

Và khi đỉnh dịch vẫn còn cách thời điểm này 12 tuần nữa, liệu chúng ta có chấp nhận cho các trận đấu diễn ra bất chấp sự vắng mặt của những cầu thủ đang nằm trong phòng cách ly hay không?

Liệu NHM có được phép vào sân? Nếu không bán vé thì tất cả các trận đấu có được phát sóng trực tiếp hay không để NHM tụ tập xem tại các địa điểm công cộng như quán bia hay không? Và làm thế nào để giúp các CLB vốn chỉ sống dựa vào tiền bán vé ở những trận sân nhà?

Doanh thu trong ngày diễn ra thi đấu chỉ chiếm khoảng 1/7 tổng thu nhập của các CLB tại Premier League, với hơn một nửa đến từ các đài truyền hình. Thi đấu không có khán giả tuy không phải là điều tốt đẹp gì nhưng các CLB sẽ không vì thế mà phá sản. Rốt cuộc, họ vẫn có khoảng 1 tỷ bảng tiền mặt trong ngân hàng để chia cho các CLB.

Thế nhưng, không phải ai cũng có “sổ bảo hiểm” như ở Premier League. Đối với các CLB thuộc giải Championship, thu nhập trong ngày thi đấu chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập của họ, và con số này tăng lên thành 1/2 tại các giải Leagues One và Leagues Two.

Đó là một câu chuyện tương tự ở phía bắc Vương quốc Anh, nơi hầu hết các CLB giải Ngoại hạng Scotland kiếm được 1/3 doanh thu hàng năm từ các trận đấu trên sân nhà. Ví dụ như với trường hợp của Rangers, doanh thu từ các trận sân nhà ở mùa giải 2018/19 chiếm 60% thu nhập của CLB này.

Chỉ 7 tháng trước, Bury - một đội bóng có 134 năm lịch sử - đã trở thành CLB đầu tiên bị xoá sổ khỏi hệ thống các giải vô địch nước Anh (EFL) vì lý do tài chính kể từ năm 1992. Bolton cũng sắp lâm vào thảm cảnh tương tự. Rồi còn Derby County, Macclesfield Town, Oldham Athletic và Southend United cũng trong hoàn cảnh nợ lương, chậm lương của cầu thủ, HLV lâu ngày.

Với những CLB này, việc thi đấu không có khán giả hoặc không thể thi đấu từ giờ đến mùa giải mới chính là “thảm hoạ diệt vong”. Ví dụ, CLB tại giải League One là Southend United tin rằng, việc không được tổ chức 5 trận sân nhà còn lại ở mùa giải này, gồm 2 trận “đại chiến” với Portsmouth và Sunderland, sẽ khiến họ mất gần 450.000 bảng tiền bán vé.

Đó là chưa kể việc họ phải hoàn lại tiền cho các khán giả mua vé mùa, các cam kết tài trợ và cả vấn đề thuế má rắc rối nữa. Tổng thiệt hại của CLB vùng Essex có thể lên tới 750.000 bảng, một con số quá lớn với một đội bóng ở giải Hạng Nhì.

Các CLB khác thuộc League One và League Two cũng đã đưa ra con số thiệt hại hơn 250.000 bảng do vấn đề này gây ra, tuy nhiên, nó chưa bao gồm khả năng những NHM trung thành và các nhà tài trợ địa phương đòi lại tiền bởi nếu như thế, những CLB khốn khổ đó sẽ chẳng thể tìm được nhà tài trợ ở mùa giải tới.

Họ hy vọng các CĐV ruột sẽ chấp nhận sử dụng mật khẩu miễn phí để xem các trận đấu được phát trực tuyến qua dịch vụ iFollow của EFL, trong giả định được thi đấu mà không có khán giả và mọi trận đấu sẽ được phát trực tuyến.

EFL có một ít ngân sách dự trữ nhưng khoản tiền này không đủ để trả lương cho hàng trăm cầu thủ từ giờ cho đến mùa giải tới. EFL đã nêu ra điều này với chính phủ Anh nhưng họ biết rằng ngay tại thời điểm này, chính phủ cũng phải đối mặt với hàng chồng đơn xin viện trợ và không thể hành xử thiên vị cho bóng đá, vốn không phải ưu tiên hàng đầu trong thời đại dịch COVID-19.

LĐBĐ Scotland cũng tuyên bố không có quỹ “cứu đói” cho các CLB và nói rõ rằng “từng xu kiếm được từ nhà tài trợ, BQTH, doanh thu từ các giải đấu cúp đã được chia đều cho CLB rồi”. Giám đốc điều hành Neil Doncaster đã nhấn mạnh điều này cho dù có phải đối mặt với những “hậu quả thảm khốc nhất”.

Điều này có nghĩa là các CLB đang phải đối mặt với một cuộc chiến sinh tồn tuyệt vọng, buộc phải cắt giảm chi phí, kiểm tra chính sách bảo hiểm và tìm ra những điều kiện để có thể đảm bảo cho một khoản vay khẩn cấp từ chính phủ Anh sau khi tân Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak công bố chiến lược ngân sách cho chiến dịch chống virus corona vào hôm 11/3.

Ông này cũng đề nghị các công ty đang có vấn đề với dòng tiền có thể được phép tạm thời trì hoãn hóa đơn thuế trong một khoảng thời gian. Nhưng liệu điều đó có khiến Southend thoát khỏi cửa tử hay không lại là vấn đề khác. Hầu hết các CLB của Anh đều được bảo hiểm trước các sự cố “bất khả kháng” trên thế giới, ngăn cản họ tổ chức các trận đấu. Và tin tốt lành là đại dịch COVID-19 vừa được chính phủ Anh bổ sung vào danh sách những sự cố theo mục “dịch hoạ”. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi: liệu các công ty bảo hiểm sẽ trả cho các CLB bao nhiêu?

Cho dù nhận được tiền bảo hiểm, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng, các công ty bảo hiểm sẽ tăng phí bảo hiểm trong năm tới, vì có thêm hạn mục mới, hoặc họ sẽ từ chối chi trả cho sự bùng phát của virus corona trong tương lai.

Hiện tại, các CLB đang miệt mài thông qua mọi hợp đồng mà họ có, tìm cách để có thể cắt giảm chi phí hoặc hoãn các hóa đơn thanh toán, và điều này bao gồm các thỏa thuận giữa họ với cầu thủ. Phần lớn ngày hết hạn hợp đồng của cầu thủ trong mùa Hè này là 30/6, như thông lệ ký hợp đồng, kể cả hợp đồng mua lẫn mượn.

Đến đây, một vấn đề khác nảy sinh: Nếu mùa giải được kéo dài qua tháng Sáu thì cầu thủ, người đại diện cầu thủ và CLB sẽ ứng xử thế nào.

Cầu thủ sẽ tiếp tục thi đấu mà không có hợp đồng? Các CLB sở hữu sẽ cho phép cầu thủ đã hết hạn cho mượn của mình kết thúc mùa giải với CLB mượn mà không có sự bảo vệ pháp lý thay thế? Và liệu các CLB có thể chiêu mộ tân binh để thay thế các cầu thủ đang bị cách ly.

Tuy nhiên, việc trả lời các câu hỏi đó còn dễ dàng rất nhiều so với câu hỏi lớn bao trùm mọi thứ: Nếu tình hình không tốt hơn, hoặc thậm chí tệ hơn, thì giải đấu sẽ như thế nào? Trên thực tế, tại cuộc họp với các CLB thuộc Premier League vào thứ Sáu 13/3, chủ tịch FA là Greg Clarke nói rằng ông thấy việc mùa giải này kết thúc tốt đẹp là “bất khả thi”.

Nếu trao cho Liverpool danh hiệu vô địch Premier League dựa trên cơ sở điểm số của 3/4 mùa giải chắc chắn điều này sẽ khiến 2 kình địch Everton và Man United, cùng lực lượng CĐV hùng hậu của 2 CLB - ghét - Liverpool này khó chịu. Và còn các suất dự Champions League, Europa League mùa tới nữa.

Arsenal, hiện đang ở vị trí thứ 9, kém đội thứ tư Chelsea tới 8 điểm nhưng còn một trận chưa đấu (gặp Man City). Man United xếp thứ 5, và chỉ kém Chelsea 3 điểm. Thật khó để yêu cầu Arsenal, Man United, thậm chí là Sheffield Utd và Wolves chấp nhận lời kêu gọi dừng giải vào lúc này, với thứ tự xếp hạng thế này.

Chưa kể đến suất xuống hạng. Ở nhóm cầm đèn đỏ, hiện có 6 đội chỉ cách nhau 8 điểm. Rồi cả suất play-off thăng hạng Premier League cũng không ổn thoả bởi đội xếp thứ 13 BXH Championship là Queen Park Rangers chỉ kém đội đang có suất đá play-off là Preston North End 6 điểm. Vân vân và vân vân, làm thế nào để kết thúc giải đấu êm đẹp đây? Hay là nó sẽ mở ra những vụ kiện tụng bất tận.

Tất nhiên, giải pháp thay thế là giả vờ như mùa giải này chưa bao giờ xảy ra, rằng Liverpool chưa từng thắng 18 trận liên tiếp, rằng Liverpool chỉ cần đánh bại Man City là sẽ vô địch Premier League mùa này, rằng Leeds United của HLV Marcelo Bielsa chưa từng thắng 5 trận liên tiếp và đang dẫn đầu Championsship, rằng Atalanta, Atletico Madrid, RB Leipzig và PSG chưa đoạt vé vào tứ kết Champions League. Bằng cách giả vờ đó, chúng ta sẽ kéo nhau đến Tòa án Trọng tài Thể thao.

Những hậu quả của đại dịch COVID-19 với bóng đá vẫn chưa hết. Tình hình đang biến động rất nhanh theo những hướng bất thường và không thể dự đoán được kết quả sẽ như thế nào. Việc chuyển VCK EURO 2020 sang mùa Hè 2021 sẽ giải quyết được bài toán “các giải VĐQG phải kết thúc vào tháng 5”, nhưng nó lại tạo ra sự tàn phá ở mùa Hè 2021, chưa kể câu hỏi khi nào có thể bắt đầu mùa giải mới?

Theo kế hoạch dự kiến trước đó, Hè 2021 sẽ có VCK giải Nations League lần 2 khởi tranh vào đầu tháng 6/2021, Vòng loại World Cup 2022 trên toàn cầu, VCK Gold Cup của CONCACAF, VCK FIFA Club World Cup bản 24 đội đầu tiên và VCK EURO bóng đá nữ.

Nếu UEFA phải chuyển EURO 2020, điều mà họ biết cần phải làm, thì cơ quan này sẽ gạt bỏ Nations League một cách dễ dàng. Tuy nhiên, với VCK EURO bóng đá nữ, khởi tranh từ 11/7/2021 đến 1/8/2021, thì không dễ như thế.

Tương tự như vậy, nếu FIFA đồng ý với đề nghị của UEFA, có lẽ họ sẽ đồng ý tạm hoãn tổ chức World Cup Club bản 24 đội để nhường chỗ cho VCK EURO. Thế nhưng, vòng loại World Cup 2022 thì không thể xâm phạm. Đấy chính là mấu chốt của rắc rối.

Nhưng EURO 2020 đã biến thành nỗi đau thay vì niềm vinh dự của cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini, khi quyết định kỷ niệm 60 năm của tổ chức này bằng một kỳ EURO tổ chức trên khắp lục địa. Vì vậy, thay vì tổ chức ở 1 hay 2 nước đồng chủ nhà, 51 trận đấu của VCK này sẽ được tổ chức ở 12 quốc gia. Điều này nghe thật là hay, nhưng đấy là khi virus corona còn chưa xuất hiện trên đời.

Việc tổ chức trên diện rộng, sẽ tạo ra các cuộc di chuyển đông đảo, ồ ạt khắp châu lục. Hãy tưởng tượng, nếu có virus corona ở trong cuống họng của những CĐV phiêu bạt đó. Đó là còn chưa tính tới việc UEFA nhân lên các cuộc đụng độ tiềm năng giữa EURO 2020 và các sự kiện thể thao khác.

Và khi nói về các cuộc đụng độ, chúng ta sẽ gặp ngay một câu hỏi to đùng khác: Điều gì xảy ra nếu Thế Vận Hội mùa Hè Tokyo 2020 trở thành Tokyo 2021. Sự kiện này dự kiến ​​bắt đầu vào ngày 24/7/2020 - và theo WHO, Nhật Bản đang có số ca mắc virus corona cao thứ 10 trên thế giới.Cho đến nay, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach vẫn quyết định tổ chức TVH Tokyo đúng lịch. Nhưng tất cả sẽ rất khó lường nếu đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng thêm một hoặc vài tháng nữa.

Và sự thành công của Olympic thường phụ thuộc rất nhiều vào sự thèm khát đua tranh của đội thể thao Mỹ, với vô số gương mặt ngôi sao lớn nhất thế giới. Và nếu Olympic bị chuyển lịch, không sự kiện bóng đá nào muốn ở gần bóng của nó vào năm 2021.

Điều gì xảy ra với cuộc chiến về luật Công bằng Tài chính giữa UEFA và Man City? Các án phạt của EFL đối với Derby County, Macclesfield, Sheffield Wednesday và Southend sẽ thế nào? Các nhà đài có hoàn tiền cho khách hàng về những trận đấu tại Premier League, Champions League không diễn ra? Và nếu COVID-19 biến thể thành COVID-20 hoặc COVID- 21 thì sao?

Rõ ràng, chúng ta sẽ gặp quá nhiều ẩn số mà việc thà không biết câu trả lời còn tốt hơn. Ngay lúc này đây, các sự kiện thể thao lớn của thế giới như giải Golf Masters, London Marathon và 3 chặng đua xe Công thức 1 đã bị hoãn lại. WHO công bố rằng, châu Âu hiện đang là trung tâm của đại dịch và số ca tử vong trên toàn cầu đã vượt qua mốc 5.000.

Cuối tuần trước nữa, chúng ta còn cười về chuỵện Premier League đề nghị các cầu thủ không bắt tay trước trận song lại quên không cấm họ đừng ôm nhau khi ăn mừng. Nhưng cuối tuần vừa qua, và những cuối tuần tiếp theo, chúng ta hoang mang vì không biết đến bao giờ bóng đá mới trở lại?

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bangda7.com

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay