Người Việt có năng khiếu thể thao, điều đó không cần bàn cãi. Chúng ta đương nhiên không thiếu tài năng trong bóng đá, "thế hệ vàng" là cụm từ không phải chỉ xuất hiện một lần. Kể từ lúc hội nhập với Đông Nam Á, Việt Nam luôn chứng minh đẳng cấp ở tốp đầu của mình. Nhưng quanh quẩn trong quá khứ, Việt Nam luôn mặc cảm trước Thái Lan.
Thái Lan là cường quốc thể thao và bóng đá số 1 khu vực, các nước còn lại phải sợ họ là lẽ đương nhiên. Nhưng Việt Nam không chỉ sợ, chúng ta từng bị ám ảnh bởi người Thái. Mọi thứ đều có nguyên do của nó. Từ năm 1995 tới 2005, Việt Nam thua cả 4 trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games, tin được không, đều trước Thái Lan. 10 năm, 4 trận đấu cuối cùng, 4 thất bại và muôn vàn nỗi đau. Cứ gặp Thái Lan là mặc định thất bại, lần nào cũng thế để dần dà tạo ra một vết hằn trong tư duy.
Rằng Thái Lan là đối thủ lớn nhất, rằng Thái Lan là đội buộc phải thắng, rằng Thái Lan thế này, Thái Lan thế kia... Cái tên Thái Lan ăn sâu vào tâm trí những người yêu bóng đá nước nhà. Không chỉ các cầu thủ, HLV mà truyền thông và người hâm mộ cũng dắt díu nhau vào lối mòn không đường thoát này. Để rồi tự tạo áp lực lên nhau, chia đều sự lo lắng cho nhau, chỉ trích nhau, trách móc nhau. Quả thật, trong quá khứ, Việt Nam kém Thái Lan 1 bậc về chuyên môn nhưng phải đến 2 bậc về tinh thần.
Thái Lan luôn là đối thủ kìm hãm Việt Nam trước đây
Và dù chúng ta đã vô địch AFF Cup 2008 trước mắt Thái Lan thì sự chông chênh vẫn còn quá lớn, khi mà phải dùng rất nhiều may mắn tích góp từ các năm trước mới có thể quật ngã đối thủ trên sân nhà. Để rồi tới kỳ SEA Games gần nhất, sau khi U23 Việt Nam bị U23 Thái Lan đập tan với tỷ số 3-0, qua đó bị loại ngay sau vòng bảng, tất cả mới thừa nhận chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ với nỗi sợ của mình.
Điều thú vị ở chỗ, bẵng đi một thời gian dài, khi 2 quốc gia không thường xuyên gặp nhau nữa, sự so sánh vẫn tiếp tục. Việt Nam vừa trải qua hơn một năm đại thành công ở cả 4 giải đấu tham dự. Càng tự hào hơn nữa khi chúng ta là lá cờ đầu của Đông Nam Á, làm rạng danh khu vực vốn mang tiếng là "vũng trũng" của bóng đá này với bạn bè châu lục. Đó là những thành tích vô tiền (hy vọng chưa phải là khoáng hậu) khiến phần còn lại, trong đó có Thái Lan phải ngẩng lên chiêm ngưỡng.
Trong khi Việt Nam đại thăng hoa thì Thái Lan lụn bại toàn tập. Quốc gia từng đặt mục tiêu tham dự World Cup này bị loại ngay vòng bảng với vị trí đội sổ ở VCK U23 châu Á 2018, bị loại tiếp ở vòng bảng ASIAD 2018, dừng chân ở bán kết AFF Cup 2018 và thua Trung Quốc ở vòng 1/8 Asian Cup 2019.
Việc Thái Lan không thành công ở cả 4 giải đấu nói trên không đồng nghĩa với việc trình độ bóng đá của quốc gia này tụt hậu với Việt Nam. Đó đơn giản chỉ là câu trả lời mà chúng ta đã tìm suốt bao năm qua. Bất chấp lối mòn tư duy rằng vẫn luôn ở dưới Thái Lan, bóng đá Việt Nam đã phát triển vượt bậc, lột xác khỏi vỏ bọc khu vực để tiếp cận với trình độ châu Á.
Việt Nam không còn run sợ với một nhà cầm quân không biết sợ
Đây đã là năm 2019 và HLV của chúng ta là ông Park Hang Seo - một người Hàn Quốc, không biết gì về mối thâm thù Việt Nam - Thái Lan và đương nhiên, cũng không biết sợ người Thái. Trong tay ông là những lứa cầu thủ thế hệ mới. Họ được dạy một bài học nằm lòng, rằng sự tự tin là căn bản của trò chơi này. Chỉ cần tin ở bản thân mình, ở đồng đội và ở HLV, điều phi thường nào cũng có thể làm được.
U23 và ĐT Việt Nam đã tạo ra quá nhiều kỳ tích nhờ đứng vững trên đôi chân của mình. Bất ngờ nhìn lại, thầy trò Park Hang Seo đã vượt quá phạm vi Đông Nam Á từ bao giờ không hay. Và đến đây, có thể khẳng định chuyên môn của Việt Nam chưa chắc hơn Thái Lan nhưng tâm thế thì đã vượt trội rồi. Nỗi sợ hãi gói ghém lại gửi về quá khứ bởi tương lai sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Mọi thứ sẽ được kiểm chứng trong trận đấu vào ngày 26 tới đây, khi mà nói về quyết tâm rửa hận, U23 Thái Lan xứng đáng là thuốc thử cho trình độ của U23 Việt Nam.