Công tâm mà nói, U17 Nhật Bản đã thể hiện đẳng cấp vượt trội trước U17 Việt Nam với khả năng kiểm soát bóng, số lần dứt điểm và số cơ hội bị bỏ lỡ… Nhưng ở cấp độ bóng đá trẻ, những con số thống kê đôi khi không phản ánh hết bản chất trận đấu và đôi khi cũng chỉ để tham khảo mà thôi. Chỉ một khoảnh khắc mất tập trung, một sai sót tưởng chừng vô hại nơi hàng thủ, mọi thứ có thể mang đến sự khác biệt. Và U17 Việt Nam đã chớp lấy cơ hội hiếm hoi ấy để ghi bàn gỡ hòa quý giá trong trận đấu mà các học trò của HLV Roland được xếp ngồi… mâm dưới.
Bóng đá trẻ luôn chứa đựng những điều khó lường. Một pha xử lý vụng về, một khoảnh khắc lóe sáng bất ngờ, hay một sai lầm ngớ ngẩn… đều có thể định đoạt số phhận một trận đấu. Có thể hiểu bởi các cầu thủ trẻ thường chưa đạt đến sự ổn định về phong độ lẫn tâm lý. Cho nên hôm nay, họ có thể là “người hùng” nhưng rồi mai kia họ có thể là… tội đồ. Cũng chính điều đó làm nên sức hút của bóng đá trẻ, nơi cảm xúc lên ngôi, nơi mọi ranh giới chuyên môn có thể bị xóa nhòa bởi ý chí và tinh thần.
HLV Philippe Troussier từng nói, để chiến thắng ở bóng đá trẻ, các nhà cầm quân cần hiểu rõ cầu thủ của mình hơn là phân tích đối thủ. Dường như HLV Roland đã làm điều đó. Ông tin tưởng học trò, lựa chọn nhân sự đúng thời điểm. Bàn thắng của Gia Bảo là kết quả của một loạt quyết định chính xác từ băng ghế huấn luyện, cộng thêm một chút may mắn.
U17 Nhật Bản đã rất tiếc nuối, còn với Việt Nam, bàn thắng muộn màng không chỉ là sự bằng lòng về kết quả mà còn là chất xúc tác tinh thần cực kỳ mạnh liệt. Bàn thắng của Gia Bảo có thể thắp lên khát vọng lớn hơn. Trận quyết đấu với UAE sắp tới sẽ là một thử thách cực đại, nhưng nếu giữ được tinh thần quả cảm và niềm tin vào chính mình, U17 Việt Nam hoàn toàn có thể viết tiếp câu chuyện cổ tích , với cái kết là tấm vé tham dự U17 World Cup 2025.