Với nhiều thế hệ fan bóng đá, nhắc tới đội tuyển Đức là không thể không nhắc tới những trung phong "đáng sợ", những người mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ khiến các hậu vệ hoảng loạn.
Đó là Gerd Muller của những năm đầu thập niên 1970, là Karl-Heinz Rummenigge trong những năm 1970, 1980, rồi Rudi Voller của những năm đầu 1990, theo sau là Jurgen Klinsmann, trước khi Miroslav Klose nổi lên và xô đổ hàng loạt kỷ lục.
Nhưng từ sau khi Klose giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế, nước Đức không còn sản sinh ra một trung phong nào như thế nữa. Họ vẫn có những tiền đạo giỏi, nhưng thiếu hẳn những trung phong đủ sắc sảo để biến những "nửa cơ hội" thành bàn thắng.
"Chúng tôi luôn có ai đó biết cách ghi bàn - Muller, Klinsmann, Voeller và gần đây là Klose", cựu tuyển thủ Đức Steffen Freund nói với BBC Sport. "Nhưng từ sau Klose, chúng tôi không còn một trung phong đẳng cấp thế giới nào nữa. Và đó có lẽ là lý do tại sao chúng tôi không thể vươn tới đỉnh cao".
EURO 2024 này cũng không có gì thay đổi. Kai Havertz nhiều khả năng sẽ là người dẫn dắt hàng công của Đức. Nhưng tiền đạo đang khoác áo Arsenal chưa bao giờ được xem là một trung phong thực thụ. Câu hỏi là, điều gì đã xảy ra với những trung phong đẳng cấp thế giới của người Đức?
Tất cả có lẽ bắt đầu từ năm 2010, khi Tây Ban Nha lên ngôi vô địch World Cup với một "số 9 ảo" - một tiền đạo chơi lùi sâu thay vì cắm chốt trong vòng cấm. Trên đường tới chức vô địch đó, Tây Ban Nha đã đánh bại Đức của Joachim Low ở bán kết. Sau trận đấu, ông Low hết lời ca ngợi đối thủ, gọi họ là "những bậc thầy trong trò chơi này".
Đó cũng là lúc Low bắt đầu đi theo bước chân của người Tây Ban Nha. Ở World Cup 2014, ông chỉ triệu tập có hai trung phong - Klose và Lukas Podolski lúc đó đang đá cho Arsenal. Nhưng thực tế trên sân, ông hiếm khi sử dụng họ, mà ưu tiên sử dụng Mario Gotze ở vai trò số 9 ảo hơn. Sau thành công ở Brazil, ông Low lại càng thêm tin tưởng vào lựa chọn của mình.
Điều này có tác động tới cả nền bóng đá. Đặc biệt là ở cấp độ đào tạo trẻ. Những trung phong "chỉ biết mỗi ghi bàn" không còn được trọng dụng. Hoặc nếu có, thì khi đến tuổi lên chuyên nghiệp, họ cũng không thể trụ lại trong môi trường Bundesliga đòi hỏi rất nhiều ở một trung phong. Bóng đá Đức có đầy những tiền đạo cánh giỏi, những chuyên gia làm bóng xuất sắc, nhưng tuyệt nhiên không có một số 9 đẳng cấp nào.
Hệ quả là có thể thấy rõ. Từ sau World Cup 2014, bóng đá Đức đã tuột dốc không phanh. Họ không vượt qua được vòng bảng ở cả hai kỳ World Cup gần nhất, và chỉ thắng được đúng một trận ở EURO 2020. Không ghi đủ bàn thắng là một lý do. Trong bốn giải đấu lớn từ sau World Cup 2014, Đức chỉ ghi được có 21 bàn. Bốn giải đấu lớn trước đó, con số này là 50.
Người Đức đã nhận ra vấn đề và bắt đầu thay đổi. Liên đoàn bóng đá Đức đã thực hiện một cuộc cải tổ lớn trong công tác đào tạo trẻ từ sau World Cup 2018, ưu tiên "chơi bóng và ghi bàn" thay vì gò các cậu bé vào những khuôn khổ quá cứng nhắc.
Nhưng cuộc cách mạng nào cũng cần thời gian. Ở EURO 2024, Đức vẫn không có một trung phong đẳng cấp như trong quá khứ. Dẫn dắt hàng công của họ nhiều khả năng sẽ là Kai Havertz, một tiền vệ công được hoán cải để chơi ở vị trí tiền đạo. Như phần lớn số 9 ảo khác, nhiệm vụ chính của Havertz không phải là ghi bàn. Vậy thì ai sẽ ghi? Thật khó trả lời vào lúc này.