Messi nói không sai. Nhưng người châu Âu có quyền tự hào riêng vì giải đấu của họ. Đây là sân chơi mơ mộng hơn hẳn World Cup nếu xét về kết quả. Chiến thắng của Đan Mạch (1992) hay Hy Lạp (2004) vĩnh viễn đi vào lịch sử như những biểu tượng của tính chất bất định đặc trưng của bóng đá. Hàn Quốc, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ghana… dù tạo bất ngờ lớn đến mấy cũng chưa (và rất có thể không) bao giờ thành nhà vua thế giới.
Vì sao EURO nhiều bất ngờ hơn World Cup? Tính tổ chức, điểm đặc trưng của mọi quốc gia châu Âu là câu trả lời. Các bạn gần như sẽ không thể thấy những tập thể hoang dã, thậm chí vô kỷ luật như Cameroon (trục xuất thủ môn vì thích dâng cao chuyền bóng), hay tới thi đấu bâng quơ và nhận một rổ bàn thua trước khi về nước (Panama, El Salvador, Honduras, Trung Quốc…). Người châu Âu không đá cho vui.
Bóng đá, dù được phân tích qua lăng kính nào, vẫn là môn thể thao tập thể. Một tập thể gắn kết, biết cách chiến đấu vì mục tiêu chung, dù có thể gồm những cá nhân bình thường, vẫn luôn có cơ hội đánh bại đối thủ được đánh giá cao hơn.
Việc tạo ra một tập thể gắn kết, vận hành hoàn hảo cả ở khía cạnh chuyên môn lẫn người với người tuyệt đối không đơn giản. HLV trưởng Tottenham, Ante Postecoglou, mới đây đã chia sẻ những góc nhìn khác biệt về môi trường ĐTQG. Ông nói: “CLB & ĐTQG là hai môi trường rất khác. Bạn không được tiếp xúc hằng ngày với các cầu thủ. Với CLB bạn còn có cách để có thể thực hiện các buổi tập với cường độ & chất lượng tốt nhất.
Nhưng với ĐTQG mọi thứ như được nhân lên nghìn lần vậy. Chúng tôi chỉ được tập trung trong một thời gian ngắn, vì vậy mọi buổi tập đều rất quan trọng. Chỉ cần một buổi tập dở là thôi xong rồi, nên bạn thậm chí còn không được sai dù chỉ là một bài tập. Mọi thứ đều phải chuẩn chỉ nhất có thể. Tại CLB, đương nhiên phải làm mọi thứ ở chất lượng cao nhất, nhất là ở Premier League. Nhưng ngay cả khi bạn có thua thì vẫn còn trận tiếp theo để làm lại. Ở ĐTQG, mọi thứ, cảm xúc, sức ép đều cảm giác hơn 100 lần so với ở CLB. Vì nếu không thì nó sẽ là thảm họa”.
Những giải đấu lớn chỉ diễn ra trong một tháng. Các đội tuyển có rất ít thời gian, nhưng phải tính toán để tìm được sự hòa hợp từ chuyên môn đến mối quan hệ người với người, chịu đựng sức ép từ truyền thông, giải quyết được bài toán điểm rơi phong độ… Mọi chuyện hẳn sẽ còn khó hơn nhiều khi EURO gồm… toàn những tập thể được tổ chức tốt kiểu này.
Đứng trên góc nhìn này, có thể hiểu rõ hơn lý do vì sao chỉ EURO mới có được những bất ngờ. Đương kim vô địch EURO, Italia, là ví dụ không thể rõ ràng hơn.
Giới quan sát trước giải đấu cách đây 3 năm gần như không thể tưởng tượng Azzurri sẽ chơi tấn công, thắng toàn diện ở vòng bảng, đánh bại Bỉ, Tây Ban Nha ở vòng knock-out trước khi hạ gục Anh ngay tại Wembley để thành nhà vua lục địa già. Phần lớn các cầu thủ Italia khi ấy đều không phải ngôi sao, nhưng là một tập thể gần như không thể bị đánh bại khi các cá nhân sẵn sàng chiến đấu vì nhau mà không màng tới cái tôi cá nhân.
Chính sự kỳ diệu được tôi luyện từ khái niệm khô khan và có phần sáo mòn như “tập thể” cũng là lý do khiến EURO được xem như một tham chiếu tuyệt vời cho cuộc đời. Vì không phải lúc nào bản thân bạn cũng là cá nhân xuất chúng, hoặc được ở trong một tập thể gồm toàn ngôi sao.
Song nếu biết cách gắn kết, học cách hy sinh cái tôi, tập thể có thể đưa những cá nhân bình thường đi đến tận cùng chiến thắng. Đấy là bất ngờ của EURO. Và tôi sẽ rất không bất ngờ nếu kỳ EURO trên đất Đức có những bất ngờ như thế.