“Trong năm tới chúng tôi sẽ mở rộng thêm mô hình chuyên nghiệp mà Saigon Heat đã tạo ra tại 4 thành phố lớn khác bên cạnh TP. HCM là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Gia Lai, giúp đưa loại hình này tới gần hơn với công chúng”
Ông Nguyễn Bảo Hoàng
THAM VỌNG TRỞ THÀNH SỐ 2 SAU BÓNG ĐÁ
Những trận đấu đầu tiên tại giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) mùa bóng hiện tại, Saigon Heat thua liểng xiểng. Ấy vậy mà số lượng khán giả đến sân xem họ thi đấu trận sau lại đông hơn trận trước. Đấy chỉ là một trong số nhiều ví dụ cho thấy Saigon Heat đã thật sự thành công trong việc tạo dựng một môi trường chuyên nghiệp. Cốt lõi của sự chuyên nghiệp ấy chính là việc hướng về cộng đồng, hướng về người xem. Có được nền tảng quan trọng ấy, Saigon Heat mới có thể đạt được những mục tiêu dài hơi.
Năm 2016, đội bóng rổ do doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng thành lập đã tròn 5 tuổi. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính gần nhất, CLB vẫn... chưa có lãi. Tuy nhiên chẳng có con đường nào là dễ dàng. Thành công ở một thị trường phức tạp như Việt Nam tất nhiên lại càng khó khăn. Và để biến bóng rổ trở thành bộ môn thể thao số 2 sau bóng đá, Saigon Heat cần những bước đi vững vàng. Và đến nay họ chưa bao giờ vội vàng trong hành trình ấy.
Thoạt tiên, để có thể cạnh tranh với những đội bóng rổ có thâm niên trong khu vực, Saigon Heat cũng chiêu mộ những ngoại binh chất lượng cao. Mùa giải ABL 2014, họ có Justin Williams, ngôi sao từng thi đấu tại NBA cho Sacramento Kings và Houston Rockets (2007-2008), ở vị trí trung phong. Nhưng theo thời gian, số cầu thủ gốc Việt và số cầu thủ Việt Nam nhiều lên để các CĐV đến sân không còn cảm giác mình đang cổ vũ cho một đội bóng nước ngoài nào đó.
Saigon Heat có một tương lai vững vàng bởi họ đã chú trọng phát triển từ gốc. Đội bóng rổ chuyên nghiệp Saigon Heat chỉ là phần ngọn, là đỉnh cao. Phía dưới, họ có nền tảng là Học viện bóng rổ Saigon Heat, đào tạo cho những trẻ em và thiếu niên từ 6-14 tuổi. Họ cũng ý thức được tầm quan trọng của bóng rổ học đường nên thường xuyên đến 50 trường trung học tại TP Hồ Chí Minh để tuyên truyền và xây dựng bóng rổ.
Saigon Heat cũng tạo sân chơi cho những người trẻ tuổi. Họ tổ chức nhiều giải phong trào. Họ cũng chăm lo cho đội trẻ, đây cũng là đội bóng mà Saigon Heat sẽ cử đi đánh những giải quốc nội, vừa để tăng kinh nghiệm thực tiễn, vừa để tìm ra nguồn cầu thủ mới cho đội bóng chính của Saigon Heat.
PHÁT TRIỂN VÌ KHÁN GIẢ
Như lời của Chủ tịch của Saigon Heat, với thể thao thì nhà tài trợ là nguồn máu còn CĐV chính là hơi thở. Với người hâm mộ, Saigon Heat làm mọi cách để đảm bảo họ có những giây phút thật sự thoải mái nhất khi đến sân, để họ cảm thấy vui vẻ bỏ tiền ra hàng tuần.
Đi theo mô hình của giải NBA, một khán giả đến với Saigon Heat vào mỗi cuối tuần không chỉ xem thể thao đơn thuần mà là đi dự một sự kiện giải trí thật sự. Sân bóng của Saigon Heat trở thành địa điểm để NHM tụ họp người thân, bạn bè với đối tượng trải dài từ trẻ em đến người lớn.
Với trẻ em, chúng sẽ có những gian hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn, thức uống trước khi vào xem. Chúng có linh vật là “ông 30” luôn hoạt náo và có những điệu nhảy ưa thích. Với người lớn, họ có những trò chơi sôi động ngay trong trận đấu, họ có những ca sỹ phục vụ những bài hit trước và trong trận đấu, họ có những điệu nhảy hoạt náo của Saigon Hot Girls...
Trong một trận đấu diễn ra trong lễ Halloween, người ta thấy những diễn viên hóa trang thành Batman, Joker và nhiều nhân vật điện ảnh nổi tiếng khác, tạo ra một bầu không khí rất sôi động. Nhiều người nổi tiếng như diễn viên Huy Khánh, hoa hậu Đặng Thu Thảo, Diễm My 9x... dù bận rộn vẫn là CĐV trung thành của Saigon Heat. Có người đã yêu bóng rổ từ trước, có người bị chinh phục bởi bầu không khí thể thao náo nhiệt tại sân rồi sau đó thích luôn bóng rổ.
PHÁT TRIỂN VÌ MỘT NỀN BÓNG RỔ
Doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng vừa là ông chủ Saigon Heat, lại vừa là Chủ tịch Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, nhưng hai vai trò ấy không hề chồng chéo, mâu thuẫn mà trái ngược còn bổ trợ cho nhau. Saigon Heat là một phần trong kế hoạch phát triển bóng rổ Việt Nam, gồm rất nhiều dự án.
Tháng 9/2016, sẽ ra mắt giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam. Có 6 đội bóng tham gia, đại diện cho các tỉnh (TP Hồ Chí Minh có 2 đội, bên cạnh các đội của Cần Thơ, Gia Lai, Đà Nẵng, Hà Nội), do 6 doanh nhân làm chủ ở 6 đội, góp tiếng nói cho giải đấu, đồng sở hữu giải đấu, đảm bảo tính công bằng cao nhất có thể. Mỗi đội chỉ được có một cầu thủ nước ngoài. Saigon Heat sẽ thi đấu và tuân thủ luật này.
Có thể thấy, cách làm đề án chiến lược chi tiết, tỉ mỉ và khoa học của ông Nguyễn Bảo Hoàng và các cộng sự đang viết lại định nghĩa về làm thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam. Các nhà tài trợ bây giờ đang nhìn vào Saigon Heat và những đề án tương lai của họ với niềm tin và sự hào hứng lớn dần. Hiện nay, Saigon Heat tự tin là đội thể thao có số lượng nhà tài trợ nhiều nhất Việt Nam. Bởi thương hiệu nào mà lại không muốn hướng đến cộng đồng? Mục tiêu của Saigon Heat cũng chính là mục tiêu của doanh nghiệp vậy.
Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) đã tổ chức được 6 năm, nhưng Saigon Heat chỉ tham gia từ năm thứ ba. Đây là mùa giải thứ tư của Saigon Heat tại ABL. Mùa giải thành công nhất là mùa 2014, vào bán kết. Luật ABL quy định trong 12 cầu thủ một đội chỉ có tối đa 2 người ngoài châu Á, 2 người Đông Nam Á (thường là Philippines, vì bóng rổ nước này mạnh nhất khu vực), 1 cầu thủ gốc (ví dụ ở Việt Nam là Việt kiều), còn lại phải là người quốc nội. Năm ngoái luật thay đổi: chỉ được đăng ký 1 cầu thủ Đông Nam Á, tăng cơ hội cho người trong nước.
NGÔI SAO VIỆT ARNOLD: “Heat biến giấc mơ của tôi thành hiện thực” Một chàng trai gốc Việt sinh năm 1990 tại nước Mỹ, nói tiếng Việt còn chưa sõi bỗng chốc thấy mình là một ngôi sao bóng rổ được mến mộ hàng đầu ngay trên quê ngoại. Với Việt Arnold đấy thật sự là một giấc mơ có thật. Và chắp cánh cho giấc mơ ấy tất nhiên là CLB bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Việt Arnold chia sẻ với PV báo Bóng đá: “Từ nhỏ tôi có hai ước mơ: một là trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp và hai là được đại diện Việt Nam (nơi tôi chỉ biết qua lời kể của mẹ) tại một kỳ Olympic. Tôi chơi bóng rổ bằng tất cả đam mê và hoàn thiện kỹ năng bằng học bổng đào tạo bóng rổ bốn năm. Tôi từng chơi tại giải bóng rổ sinh viên hàng đầu NCAA (Mỹ) khi còn đi học. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quan hệ cộng đồng, tôi nghĩ ngay tới việc tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp”. Sự ra đời của Saigon Heat đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Từ Mỹ, Việt Arnold thực hiện một chuyến... về nguồn. Anh nói: “May mắn biết được nỗi khao khát trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của tôi nên bố tôi mày mò lên mạng tìm đội bóng. Và ông đã tìm thấy Saigon Heat. Khi đặt bút ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp với Saigon Heat, tôi ngỡ như mơ. Từ nước Mỹ, tôi lại quay về khởi nghiệp trên quê mẹ Việt Nam”. Và bây giờ, có lẽ cả Việt Nam đang chờ giấc mơ lớn nhất của chàng trai gốc Việt trở thành sự thật: Việt Nam sẽ dự Olympic bộ môn bóng rổ với bạn bè thế giới. |