NGƯỠNG HUYỀN THOẠI
Trong lịch sử bóng đá châu Phi, trước Yaya Toure mới có hai người 3 lần liên tiếp đoạt Quả bóng vàng châu Phi do LĐBĐ châu Phi (CAF) trao tặng, đó là Samuel Eto’o (Cameroon, từ 2003 đến 2005) và Abedi Pele (Ghana, từ 1991 đến 1993). Hai danh thủ này đều là những tên tuổi rất lớn, là niềm tự hào lớn của bóng đá lục địa đen.
Châu Phi những năm gần đây không có siêu sao hàng đầu thế giới, khi Drogba và Eto’o đã xuống phong độ thấy rõ. Mikel (Nigeria) được kỳ vọng nhiều khi còn rất trẻ, nhưng cầu thủ... vẫn còn trẻ này không cho thấy sự tiến bộ vượt bậc vươn lên tầm ngôi sao cỡ Eto’o hay Abedi Pele. Cũng may, lục địa này vẫn còn Yaya Toure.
Ngày 9/1 vừa qua, ngôi sao đang chơi cho Man City vinh dự trở thành người thứ ba sau Abedi Pele và Eto’o đoạt QBV châu Phi 3 lần liên tiếp. Đây là sự vinh danh xứng đáng sau những đóng góp lớn của Toure cho Man City cũng như tuyển Bờ Biển Ngà. Trong năm qua, Mikel có tên trong thành phần ĐT Nigeria vô địch châu Phi, nhưng vai trò của anh không thật sự nổi trội. Ở Chelsea, Mikel không có được vị trí chính thức. Trong khi đó, Drogba đang sống nốt những năm tháng còn lại của đời cầu thủ. Cũng thỉnh thoảng có vài khoảnh khắc loé sáng trong màu áo Galatasaray, song Drogba không còn là vua của bóng đá châu Phi.
Cương vị đó, tất yếu phải dành cho Yaya Toure. Anh thắng áp đảo trong cuộc bình chọn của CAF (giám khảo là HLV của 54 đội tuyển thuộc châu Phi) với 373 điểm, bỏ xa Mikel (265 điểm) và Drogba (236 điểm). Nhờ có Toure mà châu Phi còn có một ngôi sao tầm thế giới, tránh việc phải trao cho những cái tên làng nhàng như Emmanuel Adebayor (2008), Frederic Kanoute (2007), El Hadji Diouf (2001, 2002), Patrick Mboma (2000)...
VƯƠN LÊN TỪ GIAN KHÓ
Yaya Toure có một người anh trai nổi tiếng là Kolo Toure. Trong khi Kolo nổi lên rất sớm trong màu áo Arsenal thì chặng đường đầu đời bóng đá chuyên nghiệp của Yaya lại rất lận đận. Khi 20 tuổi, Yaya Toure đã tính... giải nghệ để trở thành ông chủ một cửa hàng tạp hóa. Lý do: tài năng của anh không đủ sức thuyết phục các đội bóng lớn ở châu Âu.
Toure từng thử việc ở Arsenal hơn 10 năm trước, nhưng bị HLV Arsene Wenger đánh giá là “trung bình kém”. Một chuyên gia đào tạo trẻ hàng đầu thế giới như Wenger cũng lúng túng và bối rối không biết nên dùng Toure ở vị trí nào. Thể hình cao to, lại mạnh mẽ (cao 1m92, nặng 87 kg) nên Toure được Arsenal xếp đá... tiền đạo. Ở Barcelona trong hành trình vô địch Champions League 2009, Toure từng đá trung vệ. Tại Man City, Toure là tiền vệ trung tâm cực kỳ xuất sắc, công thủ toàn diện.
Nghĩa là, Toure rất đa năng, nhưng lúc mới khởi nghiệp chính vì không có sở trường nên không thuyết phục được ai. Cũng may, anh không nản chí. Kiên nhẫn, chịu khó học hỏi, khát vọng vươn lên, Toure là tấm gương sáng cho triệu triệu cầu thủ trẻ châu Phi nghèo khó nuôi mộng đổi đời.
Mark Gleeson (cây bút bóng đá châu Phi lừng danh của World Soccer, Four four two, Guardian và Reuters) từng có một bài viết rất hay về Toure, trong đó nổi bật ý: “So về tài năng, Yaya Toure không thể sánh với Eto’o hay Abedi Pele, thậm chí cả Kolo Toure. Tuy nhiên, Yaya lại là người có ý chí và nỗ lực tuyệt vời nhất”. Cũng nhờ những phẩm chất đáng quý đó mà một cầu thủ không được trời phú thiên khiếu chơi bóng đã trở thành ngôi sao lớn trong lịch sử bóng đá châu Phi. Cũng nhờ thế mà Toure từ chốn “vô danh” (cùng AS Monaco chống chọi trụ hạng tại Ligue 1 năm 2007) được CLB khổng lồ Barcelona chiêu mộ, rồi dần dần trở thành ngôi sao lớn của đội bóng xứ Catalan, và bây giờ là CLB được đánh giá mạnh nhất tại giải VĐQG mạnh nhất thế giới!
Yaya Toure, đó là câu chuyện về thành công không chỉ trong bóng đá, mà còn rất đáng học hỏi trong đời thường, dành cho cả những ai không biết hoặc không yêu bóng đá!
CỘT MỐC SỰ NGHIỆP YAYA TOURE
Sinh ngày: 13/5/1983
- Ký hợp đồng với Olympiakos năm 2005.
- Chuyển đến Barcelona năm 2007 với giá 9 triệu euro
- Đến Man City năm 2010 với giá 24 triệu bảng, trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất Premier League: 250.000 bảng/tuần
- Khoác áo tuyển BBN lần đầu năm 2004. Hai lần dự VCK World Cup, 5 lần liên tiếp dự VCK Cúp châu Phi.
Thành tích
* Với Olympiakos: Vô địch Hy Lạp 2006, Cúp Hy Lạp 2006
* Với Barcelona: Vô địch La Liga 2009 và 2010, Cúp Nhà Vua 2009, Siêu Cúp TBN 2009, Champions League 2009, Siêu Cúp châu Âu 2009, FIFA Club World Cup 2009.
* Với Man City: Vô địch Anh 2012, FA Cup 2011, Siêu Cúp Anh 2012.
* Danh hiệu cá nhân: 3 lần liên tiếp đoạt QBV châu Phi (từ 2011 đến 2013), Cầu thủ hay nhất châu Phi 2013 do đài BBC (Anh) bình chọn.
CÁC DANH HIỆU CỦA BÓNG ĐÁ CHÂU PHI 2013
- Quả bóng vàng: Yaya Toure (Bờ Biển Ngà)
- Cầu thủ hay nhất thi đấu tại châu Phi: Mohamed Aboutrika (Ai Cập)
- ĐT hay nhất: Nigeria
- ĐT trẻ hay nhất: Nigeria
- HLV hay nhất: Stephen Kechi (Nigeria)
- Cầu thủ trẻ triển vọng nhất: Kelechi Iheanacho (Nigeria)
- CLB hay nhất: Al-Ahly (Ai Cập)
- Trọng tài hay nhất: Haimoudi Djamel (Algeria)
- Giải Fair-play: CĐV Nigeria
CON SỐ
Sau 19 trận đấu tại Premier League 2013/14, Yaya Toure đã có 10 pha ghi bàn và 3 lần kiến tạo cho đồng đội lập công. Với thành tích đó, Yaya Toure đã đi vào lịch sử Man City khi trở thành tiền vệ trung tâm đầu tiên của đội bóng này ghi tới 10 bàn/mùa. Nếu tính trên tất cả đấu trường, Yaya Toure đã chơi 26 trận cho Man City ở mùa này, ghi 12 bàn và 3 lần kiến tạo cho đồng đội.
»
Châu Phi
Yaya Toure giành QBV châu Phi 2013: Chiến thắng tuyệt đối
Yaya Toure đã lần thứ 3 liên tiếp đoạt Quả bóng vàng châu Phi. Kết quả này không bất ngờ, bởi Toure tỏ ra vượt trội so với hai đối thủ cạnh tranh là John Obi Mikel và Didier Drogba.
Minh Nguyên • 08:29 ngày 11/01/2014
Lưu ý: Khi đăng ký nhận tin tức qua email, đồng nghĩa với việc bạn đã đọc kỹ và điều khoản Tạp chí Bóng đá đã đưa ra.
chấp thuận các
Nhận định bóng đá Al Ahly vs Wydad Casablanca, 02h00 ngày 31/5: Cúp sẽ về tay Wydad
07:18 ngày 30/05/2022
Eto'o biết tại sao bóng đá châu Phi nhiều tài năng hơn châu Âu mà vẫn tụt hậu
7
17:01 ngày 05/01/2022