Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Khi 'cầu thủ 100 triệu euro' đang bị tầm thường hóa”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: http://www.bangda7.com/bong-da-the-gioi/khi-cau-thu-100-trieu-euro-dang-bi-tam-thuong-hoa-4088722308.html
Sự điên rồ bắt đầu từ khi nào?
"Bom tấn" không phải khái niệm mới, xuất phát từ khi những CLB khổng lồ của châu Âu bỏ ra số tiền lớn hơn rất nhiều mặt bằng chung để mua những ngôi sao đình đám nhất đương đại. Các đế chế Galacticos 1.0 hay 2.0 của Real Madrid, hay Chelsea dưới thời Roman Abramovich được cho là khởi nguồn của mọi thứ. Nhưng thực tế, những CLB này chỉ thi thoảng nổ "bom tấn" đúng nghĩa, còn lại nổi tiếng về số lượng. Trước năm 2010, Real là đội chịu chi nhất khi các bản hợp đồng kỷ lục thế giới trong 10 năm trước đó đều thuộc về họ.
Ở đó, cột mốc 100 triệu euro chỉ được phá đúng 1 lần và nó dành cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thời điểm đó là Cristiano Ronaldo. Đấy là một con số khổng lồ với nhận thức của công chúng lúc bấy giờ, nhưng không một ai phản đối vì nó quá xứng đáng với năng lực của Ronaldo. Và càng về sau này, người ta mới lại càng thấy số tiền đó bỏ ra cho Ronaldo "hời" thế nào, không chỉ bởi các danh hiệu mà CR7 mang lại, mà còn là vì sự "lạm phát" của thị trường.
Để nói về cột mốc tạo ra bước ngoặt của sự điên rồ về giá cả, chắc chắn phải là thương vụ đầy sóng gió Neymar từ Barca tới PSG. Khi đấy, bằng nhiều cách không chính thống, đại gia nước Pháp đã chuyển 222 triệu euro cho nhà Neymar để họ tự mua lại hợp đồng với Barca. Điều khoản phá vỡ hợp đồng 222 triệu euro của Barca lúc đó tưởng như chỉ là một số tiền tượng trưng cho sự "không thể động đến". Nhưng chính sự táo bạo trong đầu tư của PSG khiến Barca không kịp trở tay, đồng thời tạo ra một chương mới cho lịch sử bóng: Chương của sự hỗn loạn.
Thời điểm Neymar đến PSG, đã rất nhiều chuyên gia cảnh báo về hệ lụy khủng khiếp mà nó mang lại sau này. Thương vụ đó tạo ra một tiền lệ, cũng là một bước đệm để tất cả những đội bóng khác dẫm lên, đè nát con số 100 triệu euro. Tính thời điểm này, có tổng cộng 17 thương vụ có giá trị từ 100 triệu euro trở lên trong lịch sử bóng. Nhưng trước vụ của Neymar, chỉ có 3 trường hợp. Còn riêng trong năm 2023, đã có tới 5 vụ. Đáng nói, một mình Chelsea đã chiếm 2 vụ, đồng thời cũng tự mình phá kỷ lục chuyển nhượng của Premier League 2 lần liên tiếp.
Đắt không xắt ra miếng?
Với những thương vụ trên 100 triệu euro xuất hiện liên tục trong 5 năm qua, chúng ta đã có đủ thời gian để đánh giá xem "đắt có sắt ra miếng"? Có quá nhiều vụ là "bom xịt", thậm chí hỏng ngay chỉ sau 1-2 năm. Tại sao lại như vậy? Chẳng lẽ 100 triệu không còn là số tiền đủ để gọi là đắt nữa? Không! Nó vẫn là số tiền lớn, nhưng bị tầm thường hóa bởi thị trường chung đã bị bơm thêm quá nhiều tiền vào.
Dòng tiền "lạ" đến từ đâu? Từ những ông chủ Mỹ, và mới đây là từ túi tiền đẫm mùi giàu mỏ của Trung Đông. Những đội bóng chi tiền khủng nhất Premier League mùa này như Chelsea và Arsenal đều có ông chủ Mỹ. Barca cũng vay tiền những ngân hàng lớn nhất xứ cờ hoa để tạo "bom tấn" và chi tiêu các năm qua. Mối quan hệ của chủ tịch Florentino Perez và các đối tác Mỹ cũng khăng khít từ lâu. Còn với số tiền từ Vùng Vịnh, ngay thương vụ Neymar sang PSG, đứng đằng sau là những tỷ phú của Qatar. Giới siêu giàu Saudi Arabia nổi lên trong một năm qua, chưa tạo quá nhiều dấu ấn về giá tiền chuyển nhượng nhưng khẳng định vị thế số 1 về đãi ngộ.
Chính vì số tiền trôi nổi quá nhiều, dẫn tới việc các có rất nhiều đội bóng trở nên giàu có. Riêng tại Premier League đã hình thành khái niệm Big 6, rồi Big 7, Big 8. Đến một đội bóng tầm trung như Brighton còn thu về gần nửa tỷ euro chỉ trong 5 năm bán cầu thủ, điều đó khiến mặt bằng chung giá cầu thủ bị đội lên rất nhiều, “bom xịt” cũng từ đó mà ra.
Hệ lụy đương nhiên là nhãn tiền. Mặt bằng cầu thủ khá "được" mua bằng số tiền dùng cho cầu thủ giỏi của ngày trước. Tất cả tạo nên xu thế mà không ai có thể đứng ngoài. Đến Bournemouth còn mua sắm tới gần 100 triệu bảng, thì đội tham vọng vô địch nước Anh không thể chi dưới 200 triệu. Nếu không có tiền thì phải đi vay, và nếu không có khả năng trả thì sẽ thành... Barca.
Đây là bài viết thuộc BIG STORY “Khi 'cầu thủ 100 triệu euro' đang bị tầm thường hóa”.
Quý độc giả có thể xem thêm tất cả các bài viết tại link sau: http://www.bangda7.com/bong-da-the-gioi/khi-cau-thu-100-trieu-euro-dang-bi-tam-thuong-hoa-4088722308.html