1. ĐT Việt Nam lần đầu tiên dự vòng loại cuối cùng World Cup trong lịch sử cách đây vài năm. Điều đó đến từ việc “Những chiến binh sao vàng” khi đó tháo gỡ được 2 nút thắt quan trọng. Một, chúng ta không thua ở cả 2 lượt đi và về trước Thái Lan. Và hai, đội thắng tuyệt đối trước Indonesia trong cả 2 lượt đi và về.
Những đối thủ trong khu vực không bao giờ là dễ chơi với Việt Nam. Và chuyện vượt qua được những rào cản đến từ hàng xóm giúp ĐT Việt Nam mở ra cánh cửa, bước vào nhóm 12 đội mạnh nhất châu Á ở vòng loại lúc bấy giờ…
Vòng loại World Cup 2022 đã khép lại từ lâu. Thậm chí VCK World Cup 2022 đã diễn ra từ trước khi HLV Philippe Troussier làm “thuyền trưởng” ĐT Việt Nam. Hoài bão khi ĐT Việt Nam có sự xuất hiện của HLV trưởng mới chính là tiến gần hơn tới việc hiện thực hoá giấc mơ World Cup.
Nấc thang đầu tiên chính là vòng loại World Cup 2026. Hẳn nhiên, một chiến lược cho một chiến dịch tầm cỡ như vòng loại thế giới này là tối quan trọng. Qua từng trận, từng đối thủ, ĐT Việt Nam cần phải tính toán chi tiết, tỉ mỉ tới sát sao.
2. Trở lại trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia cách đây 3 ngày, dư âm của thất bại mà thầy trò HLV Troussier phải chịu vẫn hiện diện rõ rệt như mới là chuyện hôm qua.
Công tâm mà nói, ĐT Việt Nam chơi không tệ trong hiệp 1. Khoảng thời gian 20 phút đầu tiên và 5 phút cuối trước giờ nghỉ là lúc ĐT Việt Nam chơi tốt nhất. Chúng ta có 3 cơ hội tiến gần tới việc ghi bàn. Nhưng khâu xử lý cuối cùng lại không tốt.
ĐT Việt Nam trả một cái giá đắt sau đó ở phút 51 của trận. Cay đắng thay, điều đó nằm ở tính tiểu tiết. Đội không tập trung trong việc chuẩn bị chống ném biên. Đội thiếu đi người chỉ huy, phân bổ đội hình kèm người và chốt vị trí. Về lý thuyết, với 7 cầu thủ bên phía Indonesia, Việt Nam cần 9 gương mặt để phong toả. Nhưng thực tế, chỉ 3 cầu thủ Việt Nam tham gia phòng ngự đúng nghĩa trong bối cảnh có tới 5 cầu thủ Indonesia với chiều cao trên 1m80 lao vào đón quả ném biên từ Arhan. Không bất ngờ khi Việt Nam bất lợi.
Thêm vào đó là vị trí, tư thế, sự tập trung và ra quyết định của Minh Trọng - người trực tiếp dẫn tới sai lầm khiến ĐT Việt Nam chịu bàn thua. Minh Trọng có vị trí tốt nhưng sai hoàn toàn về tư thế. Bởi khi một hậu vệ trái thu về để hỗ trợ, anh tai phải có tư thế mở vai và xoay thân về phía trên. Nhưng lúc đó, tư thế của Minh Trọng là thân vuông với khung thành. Thêm vào đó, phản xạ vô thức khi giơ chân trái lên đón bóng đã làm cho cầu thủ này mắc sai lầm đáng tiếc.
Về đúng nguyên tắc, Trọng phải xoay thân, hoặc tốt nhất là ép lòng phải lên. Nếu nhanh hơn, cậu ấy phải mở được lòng trái để phá được bóng khỏi khu vực nguy hiểm.
3. HLV Troussier thay người bị động. Đó là điều cần phải thừa nhận. Chuyện đưa Văn Thanh - một hậu vệ vào sân đá tiền đạo cánh trái khiến chính người hâm mộ cũng phải thắc mắc. Bởi tại sao đó không phải là Quang Hải, một cầu thủ có sở trường tấn công và cũng đá ở biên.
Có một điều rõ ràng là những thay đổi cầu thủ vào sân của HLV Troussier không đem đến kết quả tích cực cho ĐT Việt Nam. Không một bàn thắng nào được ghi cho Những chiến binh sao vàng. Ngược lại, ông Shin Tae Yong không hề rối trí khi Việt Nam nhập cuộc nhanh. Thậm chí, việc tung Arhan, Egy và Walsh vào sân trong hiệp 2 còn giúp Indonesia có được bàn thắng.
Suy cho cùng, ĐT Việt Nam đã thua. Nhưng trong nỗi buồn và những phân tích về sai sót, chúng ta nhận ra đó chưa phải là quá tuyệt vọng. Những gì thể hiện chưa cho thấy Indonesia quá mạnh như nhiều người nói. Chúng ta có quyền để tin tưởng vào kết quả tích cực trong màn tái đấu trên sân Mỹ Đình.
Nhưng đó là khi ĐT Việt Nam có chiến lược, chiến thuật và lựa chọn con người hợp lý. Và đó là khi kế hoạch dự phòng, những toan tính và quân bài chuyên môn phải được hoạch định một cách rõ ràng…