Bóng Đá Plus trên MXH

HLV Akira Nishino: 'Nếu không dám cầm bóng tấn công, Đông Nam Á cần… 3 thập kỷ nữa để tham dự World Cup'
20:03 ngày 30/11/2022
Tới Qatar trong vai trò cố vấn chuyên môn của ĐT Nhật Bản, Akira Nishino – cựu HLV của Nhật Bản và Thái Lan – khái quát lại khả năng tham dự World Cup của bóng đá Đông Nam Á, dựa theo kinh nghiệm làm việc ở Thái Lan và những đánh giá thực tiễn về mặt bằng trình độ bóng đá thế giới.

    Phóng viên Bangda7.com: Ở vai trò cố vấn và người quan sát, các đội bóng châu Á để lại ấn tượng gì với ông tại vòng bảng World Cup 2022?

    HLV Akira Nishino: Không bàn tới kết quả, tôi đánh giá cao “phương pháp tiếp cận trận đấu và phương pháp giải quyết vấn đề” của các đội châu Á. Lần đầu tiên, tôi thấy rõ khát khao “muốn ghi bàn” của 4 đội châu Á, ngoại trừ chủ nhà Qatar. Hiện tượng này có thể là hệ quả tất yếu sau rất nhiều năm dự World Cup, khi kinh nghiệm, bản lĩnh và nền tảng kỹ-chiến thuật được vun đắp.

    Ở góc nhìn của tôi, bóng đá châu Á ít nhiều để lại dấu ấn tại Qatar khi họ bước vào cuộc chơi với tâm thế “ngang hàng”, bằng vai phải lứa những nền bóng đá ở châu Âu, Nam Mỹ hay Nam Phi. Điều này không tồn tại ở các kỳ World Cup trước, hoặc nếu có cũng chỉ là những giây phút bột phát nhất thời, chợt loé lên rồi nhanh chóng tắt lụm.

    Nhưng cũng đừng trách Qatar. Họ bắt buộc phải trải qua quá trình như Nhật Bản hay Hàn Quốc của 30, 40 năm trước mới có thể tự tin chơi bóng tại World Cup.

    Vậy ở các giải đấu trước đây, bóng đá châu Á đã thể hiện thế nào theo đánh giá chủ quan của ông?

    Các đội châu Á thường sợ thua, kể cả Nhật Bản. Vì sợ thua nên đội nào cũng chọn lối chơi phòng ngự nhiều lớp, dựng hàng hàng lớp lớp rào chắn trước cầu môn. Tất nhiên, không chỉ bóng đá châu Á lựa chọn cách tiếp cận trận đấu như vậy.

    Vấn đề ở chỗ, khi bị dẫn bàn, hoặc khi trận đấu ở thế bế tắc giằng co, các đội tuyển châu Á không dám xua quân lên tấn công. Bóng đá hiện đại đã phát triển tới mức giữa các nền bóng đá gần như không tồn tại khoảng cách ở các mặt chiến thuật, kỹ thuật, thể lực hay thậm chí là thể hình.

    Cầu thủ Nhật Bản và Hàn là trụ cột ở nhiều CLB châu Âu. Cầu thủ ở Australia đã chơi bóng tại Ngoại hạng Anh nhiều năm qua. Cầu thủ Tây Á lại có lợi thế thể hình, họ rất khoẻ, nếu chưa muốn nói là khoẻ hơn cả cầu thủ ở các nền bóng đá lớn. Như vậy, tại một giải đấu khốc liệt về mật độ thi đấu và thể thức thi đấu như World Cup, khác biệt giữa các đội tuyển là bản lĩnh, và là tâm thế thi đấu.

    Nếu sợ thua, bạn chỉ dám phòng ngự. Nhưng sau nhiều năm “chịu trận”, bóng đá châu Á phải dấn thêm một bước nữa. Sự phát triển của bóng đá còn được đong đếm ở mặt này. Khi Nhật Bản chủ động tấn công, họ thắng Đức. Khi Hàn Quốc bị dẫn tới 2 bàn, họ quyết định dùng bóng bổng, đẩy Ghana về sâu sân nhà trước khi tìm 2 bàn gỡ. Saudi Arabia thậm chí còn tổ chức trận đấu như một đội tuyển châu Âu, đá cho Ba Lan không cầm được bóng. Rõ ràng bóng đá châu Á sở hữu nội lực tuyệt vời, chỉ là họ chưa mạnh dạn, chưa dũng cảm.

    Phóng viên Tạp chí Bóng đá gặp gỡ HLV Nishino tại World Cup 2022 

    Nói như vậy nghĩa là, ở tình huống Nhật Bản nhận phạt góc và cho quân lên tấn công trước khi chịu phản công và thua ngược Bỉ 2-3 tại World Cup 2018, ông là người ra chỉ thị đó?

    4 năm trước, tôi bị dư luận “lên án” vì ở tình huống phạt góc cuối trận, thay vì đá an toàn lại chơi tấn công, để rồi chịu phản công và thua ngược Bỉ. Nhưng tôi lật ngược lại câu chuyện: Nếu quả phạt góc ấy thành bàn, tôi sẽ trở thành người hùng của bóng đá châu Á. Theo bạn có đúng không?

    Quả phạt góc ấy đã nằm trong “các tình huống giả định” được tôi và ban huấn luyện đề ra trong buổi họp kỹ thuật trước trận. Chúng tôi thống nhất là sau phút 85, nếu có thể cầm chân tuyển Bỉ, Nhật Bản phải mạnh dạn chớp lấy thời cơ, phải dám đá để thắng luôn trong 90 phút thay vì kéo dài trận đấu sang hiệp phụ. Không thử, sao biết làm được hạy không. Các đội bóng lớn trên thế giới luôn có chung đặc điểm là “thường xuyên ghi bàn ở 15 phút cuối và thời gian bù giờ”.

    Đẳng cấp bóng đá được phân định bởi những khoảnh khắc như vậy. Trận Iran và xứ Wales phản ánh tinh thần mạnh dạn ấy, khi người ghi bàn cho Iran còn là một tiền vệ phòng ngự. Trong bóng đá, càng tham vọng, bạn càng phải ra sân để “thắng”, chứ không phải để “không thua”.

    Trong bức tranh tổng thể ấy, trên cương vị một HLV từng làm việc ở Đông Nam Á, ông nghĩ phải mất bao lâu nữa để các đội tuyển ở đây, như Thái Lan và Việt Nam, có thể góp mặt ở một VCK World Cup? Liệu World Cup 2026 có khả thi, khi số đội tăng từ 32 lên 48?

    Bối cảnh của bóng đá Đông Nam Á là “vượt qua tầm vóc khu vực nhỏ bé” để vươn lên “châu Á”. Tức là, giống như câu chuyện của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Saudi Arabia tại World Cup, các đội Đông Nam Á phải bước vào Asian Cup, bước vào vòng loại World Cup với tâm thế “Ra sân là để thắng”. Khi nào mục tiêu của họ bước ra khỏi ranh giới an toàn, họ mới có thể chạm tới World Cup.

    Với trải nghiệm của cá nhân tôi, bóng đá Đông Nam Á cần khoảng… 30 năm nữa để góp mặt tại World Cup. Sau đây 4 năm vẫn là quá sớm.

    Tại sao lại là 30 năm?

    Khi tôi mới tới Thái Lan, FAT (LĐBĐ Thái Lan) nói với tôi họ muốn dự World Cup 2026. Tôi trả lời rằng tôi cần thời gian để cầu thủ hiểu tôi muốn gì từ họ. Thời gian ở đây được tôi định nghĩa là phải coi vòng loại World Cup 2022 là sân tập, là chỗ thử nghiệm, để tôi nhìn được hết năng lực, khả năng lĩnh hội kiến thức của cầu thủ Thái Lan và sửa thói quen chơi bóng. Cùng lúc ấy, tôi yêu cầu FAT phải trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, phải đồng ý cho tôi sử dụng những gương mặt thậm chí còn chưa có suất đá chính ở CLB, vì những người này “dễ bảo”, dễ uốn nắn và sẵn “máu liều”. Kiên định theo mục tiêu ấy cũng có nghĩa là trong 2-3 năm đầu tiên, bạn phải chấp nhận thất bại, phải chấp nhận những kết quả khó nuốt trôi.

    Nhưng FAT không kiên nhẫn. Có thể, bóng đá Đông Nam Á chịu áp lực thành tích. Đấy là văn hoá khó thay đổi trong chốc lát. Đại khái là, FAT kỳ vọng tôi phải đặt kết quả lên ưu tiên hàng đầu tại vòng loại World Cup 2022. Nhưng mục tiêu của họ là World Cup 2026 cơ mà! Trong gần 2 năm tại Thái Lan, tôi bị “lưỡng”, tức là cố gắng đưa triết lý của tôi vào các ĐTQG nhưng lãnh đạo liên đoàn không đồng ý, muốn thắng ngay. Tôi gọi đó là “những chiến thắng vô nghĩa”.

    Trước khi rời đi, tôi có cuộc thảo luận cuối cùng với tổng thư ký FAT. Tôi chia sẻ rằng ngay cả khi Thái Lan thắng được Australia hay có điểm trước Nhật Bản, đó chỉ là những điểm số may mắn. Muốn đi World Cup, Thái Lan phải cầm được bóng, ít nhất là 40% thời lượng bóng, tổ chức tấn công bài bản, chứ không thể co cụm phòng ngự, phá bóng lên trên và chờ đợi vài khoảnh khắc để chộp giật.

    Dường như bóng đá Đông Nam Á vận hành theo logic ấy. Trong những điều khó thay đổi nhất trên thế giới, tư tưởng và lối suy nghĩ nằm ở Top 1. Có thể mất vài năm để tìm ra một tài năng bóng đá, nhưng phải mất nhiều thập kỷ để thay đổi cách vận hành của một tổ chức. 

    Theo ông, “để thắng”, các đội tuyển Đông Nam Á cần cải thiện những gì ở góc độ chuyên môn?

    Thiếu tiền vệ cánh. Đây là tình trạng của cả Đông Nam Á chứ không riêng gì Thái Lan. Trong khu vực, tôi không thể tìm ra một tiền vệ cánh nào có thể thi đấu tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Từ Thái Lan, Việt Nam tới Malaysia đều gặp tình trạng: Có quá nhiều các tiền vệ “nhờ nhờ”, hiểu ở đây là những tiền vệ có xu hướng tấn công nhưng không có khả năng thực hiện những cú bứt tốc, hoặc rê bóng ở tốc độ cao. Chanathip là cầu thủ duy nhất tại Đông Nam Á đủ khả năng cầm quả bóng đi vài chục mét, nhưng cậu ấy được bố trí đá như một số 8 tại Nhật Bản và thành công với vị trí đó.

    Tôi sẽ nói thêm về câu chuyện của tiền vệ cánh. Trong bóng đá đỉnh cao, chỉ tiền đạo tới từ Nam Mỹ và châu Âu mới đảm bảo đầy đủ phẩm chất cần có của một cầu thủ chơi trong vòng cấm. Với những nền bóng đá còn lại, khác biệt sẽ tới từ tiền vệ biên vì chỉ khi ở biên, cầu thủ mới không phải chơi quay lưng, tựa lưng vào biên trước khi tạo đột biến.

    Nishino không định quay lại làm HLV
    ​​​Tại trung tâm báo chí World Cup, ông Nishino tiết lộ với phóng viên Bóng Đá ông không có ý định tiếp tục sự nghiệp HLV. Thay vào đó, Nishino muốn làm việc ở vai trò giám đốc kỹ thuật, vị trí ông từng làm ở LĐBĐ Nhật Bản giai đoạn 2016-2018.  

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay